Ngày 7/1, Sở Y tế TPHCM thông tin về bệnh do vi rút Human metapneumovirus (HMPV) đang bùng phát tại Trung Quốc và thực tế bệnh tại thành phố. Theo Sở Y tế, đây không phải vi rút mới, tác nhân gây bệnh này đang lưu hành tại TPHCM.
Báo Tiền Phong ngày 07/01 đưa thông tin với tiêu đề: “Vi rút gây bệnh nguy hiểm ở Trung Quốc đã lưu hành tại TPHCM” cùng nội dung như sau:
Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại TPHCM năm 2024 ghi nhận số ca viêm đường hô hấp dao động từ 16.000 – 18.000 ca mỗi tháng trong 8 tháng đầu năm và tăng trong 3 tháng cuối năm. Các bệnh hô hấp có xu hướng gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh, tuy nhiên hiện tại chưa ghi nhận những biến động bất thường về số ca mắc cũng như tình trạng bệnh nặng tại các bệnh viện.
Về tác nhân gây bệnh, kết quả báo cáo từ chương trình nghiên cứu tác nhân viêm phổi cộng đồng hợp tác giữa Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà, Viện Pasteur Nha Trang, và Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore (thuộc dự án PREPARE) cho thấy tác nhân gây bệnh vẫn là các vi rút và vi khuẩn phổ biến.
Cụ thể, kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (gồm 56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện từ tháng 7 đến tháng 12/2024 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cho thấy HMPV chiếm tỷ lệ (12,5% ở trẻ em) so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng khác gồm rhino vi rút (44,6%), vi rút hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%).
Ngoài ra, trong đợt bùng phát viêm hô hấp trẻ em vào cuối năm 2023 tại TPHCM kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân vi rút thường gặp, trong đó tác nhân HMPV cũng được phát hiện với tỷ lệ 15%. Sở Y tế TPHCM khẳng định HMPV không phải là vi rút mới, đây là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em đang lưu hành tại TPHCM.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bệnh đang bùng phát tại Trung Quốc, Sở Y tế khuyến cáo cộng đồng không chủ quan trước những diễn biến có thể xảy ra. Hiện nay, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và các đơn vị y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, sẵn sàng triển khai hoạt động kiểm dịch y tế tại sân bay và cảng biển nhằm phát hiện sớm và ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ngành y tế TPHCM đang tiếp tục các hoạt động giám sát dịch tễ nội địa, bao gồm giám sát số ca viêm hô hấp, số ca viêm hô hấp cấp tính nặng nhập viện, giám sát các tác nhân gây viêm hô hấp và giám sát các sự kiện như phát hiện chùm ca bệnh trong trường học, nhà máy, cộng đồng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Sở Y tế TPHCM cho biết, HMPV được phát hiện lần đầu vào năm 2001, là một trong các tác nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp trên và dưới cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy giảm. Bệnh lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua bề mặt nhiễm vi rút, với nguy cơ gia tăng cao trong mùa đông và đầu mùa xuân.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, sốt. Trường hợp nghiêm trọng, có thể gây viêm phổi nặng. Hiện nay, HMPV chưa có vắc xin phòng ngừa hoặc thuốc điều trị đặc hiệu.
Trước đó, báo VnExpress ngày 06/01 cũng có bài đăng với thông tin: “Virus đang lây lan ở Trung Quốc nguy hiểm thế nào”. Nội dung được báo đưa như sau:
Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm virus HMPV gia tăng, dẫn đến tình trạng quá tải ở bệnh viện. Đợt bùng phát xảy ra 5 năm sau khi thế giới lần đầu phát hiện Covid-19, khiến nhiều người lo lắng viễn cảnh về đại dịch khác. Tuy nhiên, mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ning, cho biết đây là bệnh thường quy, thường đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm.
HMPV là gì?
Metapneumovirus (Human Metapneumovirus – HMPV) là dạng virus đường hô hấp phổ biến, thuộc họ pneumoviridae – cùng nhóm với virus hợp bào hô hấp (RSV).
HMPV thường gây ra các triệu chứng giống cảm lạnh thông thường, tập trung ở đường hô hấp trên. Đôi khi, nó có thể xâm nhập vào đường hô hấp dưới, gây viêm phổi, làm hen suyễn hoặc phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trở nặng. HMPV phổ biến hơn vào mùa đông và đầu xuân.
Các nhà khoa học Hà Lan phát hiện ra HMPV cách đây hơn 20 năm. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy nó là nguồn gốc của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên toàn thế giới trong hơn 50 năm qua.
Các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 10% đến 12% bệnh hô hấp ở trẻ em là do HMPV. Hầu hết trường hợp đều nhẹ, nhưng khoảng 5% đến 16% trẻ em sẽ bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi.
Dù có nét tương đồng, HMPV không giống virus hợp bào hô hấp (RSV). Cả hai đều thuộc cùng chi Pneumovirus và có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Độ tuổi dễ bị bệnh nặng do HMPV nhất là từ 6 đến 12 tháng. Trong khi đó, RSV dễ gây bệnh nặng hơn ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng.
Triệu chứng và đường lây nhiễm
Các triệu chứng của HMPV bao gồm: ho, sốt, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, khó thở, thở khò khè, phát ban.
HMPV lây lan qua không khí cũng như tiếp xúc gần, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Virus vẫn hoạt động trên bề mặt của các vật thể ở nhiệt độ phòng, do đó việc chạm vào vật thể đó cũng khiến mọi người mắc bệnh.
Nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là người dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ sinh non), người trên 65 tuổi và người bị suy yếu miễn dịch (do mắc HIV, ung thư hoặc bệnh tự miễn).
Đôi khi HMPV gây ra các biến chứng nghiêm trọng và có thể cần phải nhập viện. Các biến chứng bao gồm: viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, bùng phát cơn hen suyễn hoặc COPD, nhiễm trùng tai.
Chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ chẩn đoán HMPV dựa trên các triệu chứng và tiền sử sức khỏe. Người bệnh có thể được chỉ định lấy mẫu từ mũi. Đôi khi, bác sĩ cũng thực hiện nội soi phế quản hoặc chụp X-quang ngực để tìm kiếm điểm bất thường ở phổi.
Hiện không có thuốc kháng virus điều trị HMPV. Mọi người có thể tự điều trị theo triệu chứng tại nhà cho đến khi cảm thấy khỏe hơn.
Nếu có các triệu chứng nặng, người bệnh có thể cần nhập viện. Tại đây, họ được theo dõi chuyên sâu và ngăn ngừa bệnh trở nặng. Các biện pháp điều trị ở giai đoạn này gồm liệu pháp oxy (nếu bệnh nhân khó thở); truyền dịch tĩnh mạch; corticosteroid (steroid giảm viêm và làm giảm một số triệu chứng).
Kháng sinh chỉ điều trị vi khuẩn. Vì HMPV là virus nên kháng sinh không có tác dụng. Đôi khi, các bệnh nhân viêm phổi do HMPV cũng bị nhiễm khuẩn, gọi là nhiễm trùng thứ phát. Lúc này, bác sĩ mới kê đơn kháng sinh.
Ngăn ngừa
Phương pháp đơn giản để giảm nguy cơ nhiễm HMPV là rửa tay bằng xà phòng, nước hoặc các loại dung dịch rửa tay khô có cồn. Mọi người nên che mũi và miệng bằng khuỷu tay khi hắt hơi, ho.
Nếu phát hiện bản thân có các triệu chứng tương tự cúm, bạn có thể đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người khác.
Các trường hợp HMPV nhẹ thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Nếu chuyển nặng, người bệnh có thể mất thêm thời gian để hồi phục.
Người nhiễm HMPV vẫn có thể điều trị tại nhà bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc thông mũi, giảm ho. Tuy nhiên, không cho trẻ em dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa.
Bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện nếu có các triệu chứng: sốt cao (trên 40 độ C); khó thở; da, môi hoặc móng tay tím tái.