Thông tin này được đăng tải trên báo VnExpress vào ngày 6/2/2025, bài viết có tiêu đề: “Giáo viên, trường học đồng loạt dừng dạy thêm”. Nội dung cụ thể như sau:
Có thể dạy thêm nhưng không được thu tiền học sinh, nhiều giáo viên đóng cửa lớp để nghe ngóng; các trường cũng dừng, chờ cấp trên hướng dẫn.
Từ sau Tết Ất Tỵ, cô Huyền Trang, giáo viên Ngữ văn THCS ở Phủ Lý, Hà Nam, đóng cửa lớp học thêm. “Đằng nào cũng phải dừng, tôi đóng cửa từ đầu tháng để dễ quyết toán tiền thuê nhà”, cô giáo 28 tuổi nói.
Hai năm nay, cô Trang mở lớp dạy khoảng 30 học sinh. Với học phí 60.000 đồng mỗi buổi, trừ ba triệu đồng thuê nhà và điện nước, cô Trang có thêm khoảng 11-12 triệu đồng mỗi tháng – gấp đôi lương hiện tại ở trường.
Học sinh hầu hết từ lớp do cô chủ nhiệm chính khóa. Theo quy định mới có hiệu lực từ 14/2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy trên trường. Vì vậy, cô dừng dạy vì “chỉ còn vài ba bạn lớp khác, học phí không đủ bù tiền nhà”.
Cô Hồng Nhung, giáo viên Văn THPT ởBình Định, sẽ dạy thêm hết ngày 13/2. Cũng như cô Trang, học sinh của cô chủ yếu ở lớp chính khóa. Cô Nhung nói lo về chất lượng học tập của lớp, nhưng buộc phải dừng để không vi phạm quy định. Ngoài ra, hai cô cũng muốn “nghe ngóng” xem các đồng nghiệp làm thế nào, nhà trường hướng dẫn ra sao.
Hình minh họa
Không chỉ giáo viên, nhiều trường cũng dừng dạy thêm.
Ở Hà Nội, ông Hoàng Chí Sỹ, hiệu trưởng trường THPT Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa, cho biết hoạt động dạy thêm ở trường đã dừng từ sau kỳ nghỉ Tết. Theo ông, đây là thời điểm bắt đầu học kỳ II, “cố” dạy tới 14/2 rồi dừng cũng không có hiệu quả. Các trường khác ở huyện cũng vậy.
Trong buổi họp phụ huynh trước Tết Nguyên đán, ban giám hiệu trường THCS Hải Bối, huyện Đông Anh, cũng thông báo dừng dạy thêm. Trường THCS Văn Quán, quận Hà Đông ra thông báo tương tự.
Tại An Giang, lãnh đạo trường THPT Tân Châu cho hay chương trình dạy tăng cường, dạy buổi hai cũng dừng từ tuần sau. Trước đó, học sinh các khối học thêm 2-3 tiết tăng cường mỗi tuần, tùy môn.
Các trường ở An Giang được Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tăng cường hướng dẫn học sinh tự học hoặc giao nhiệm vụ học tập dưới dự tư vấn, kiểm tra của giáo viên bộ môn để đảm bảo việc ôn tập thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT hiệu quả.
Ở Bình Dương, trường THPT Bàu Bàng xác nhận dừng các buổi học tăng cường, phụ đạo từ sau Tết Nguyên đán, theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo ghi nhận của VnExpress, nhiều trường phổ thông ở Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội… đã thông báo dừng dạy thêm. Một số trường ở TP HCM như THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, thu gọn chương trình phụ đạo từ 4 xuống 2 tiết/tuần với mỗi môn Văn, Toán, Anh.
Lý do là thông tư mới yêu cầu các trường dạy thêm không thu tiền và chỉ dạy với ba nhóm: có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp.
Hiệu trưởng Hoàng Chí Sỹ cho hay các trường công lập không có nguồn thu đáng kể nào ngoài ngân sách, nên không thể tổ chức dạy thêm miễn phí. Ông và các đồng nghiệp đang đợi hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.
“Tôi mong có hướng dẫn càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trước 14/2 để có căn cứ triển khai các kế hoạch tiếp theo”, ông Sỹ nói.
Hình minh họa
Các trường THCS và THPT dạy thêm từ lâu do học sinh chỉ học một buổi mỗi ngày. Nhận định đây là nhu cầu có thực, cần thiết, HĐND ở nhiều tỉnh, thành đã ban hành nghị quyết về mức thu, phổ biến khoảng 3.500-6.000 đồng một tiết.
Các nhà quản lý nhìn nhận việc này đáp ứng nhu cầu học thêm với chi phí rẻ, an toàn cho học sinh; nâng chất lượng giáo dục; tăng nguồn thu cho trường để trang trải cho nhiều hoạt động ngoài ngân sách; tăng thu nhập cho giáo viên. Do đó, nếu không được thu tiền, mà cũng không được cấp thêm ngân sách, giáo viên và học sinh đều bất lợi, theo nhiều hiệu trưởng.
Ngoài ra, Bộ từng khuyến khích và hướng dẫn các trường trung học đủ điều kiện thực hiện dạy học hai buổi một ngày. Ông Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám ở TP HCM, đánh giá riêng việc điều chỉnh thời gian dạy buổi hai với một số môn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và việc ôn luyện cho học sinh cuối cấp.
“Căng nhất là giai đoạn ôn thi nước rút cho các em lớp 9, chưa biết xử lý ra sao”, thầy Tuấn nói.
Thí sinh được cán bộ coi thi hướng dẫn làm thủ tục thi vào lớp 10 ở Hà Nội, năm 2024. Ảnh: Giang Huy
Giáo viên hướng dẫn học sinh làm thủ tục thi vào lớp 10 ở Hà Nội, năm 2024. Ảnh: Giang Huy
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hôm 9/1 cho biết dạy thêm, học thêm là nhu cầu của cả người học lẫn người dạy. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng.
Tuy nhiên, thực tế có tình trạng học sinh dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do thầy cô, trường học tổ chức. Một bộ phận học sinh đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, áy náy với thầy cô hay thậm chí vì bài kiểm tra không bị lạ lẫm. Điều này khiến học sinh ken đặc lịch học từ sáng đến khuya.
Bộ ra Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm nhằm tránh tình trạng trên.
Theo Văn phòng Chính phủ, quy định này nhận được nhiều sự đồng tình, song còn không ít băn khoăn. Một số ý kiến cho rằng gốc rễ của việc dạy thêm, học thêm là do chương trình học tập nặng, trong khi tâm lý coi trọng bằng cấp của nhiều người còn khá phổ biến. Hiện, chương trình, sách giáo khoa, kỳ thi tốt nghiệp THPT, cách xét tuyển đại học đều mới, tỷ lệ “chọi” vào các trường đại học uy tín ngày càng khốc liệt. Học chỉ để phục vụ các kỳ thi nên dạy thêm, học thêm sẽ còn biến tướng.
Do đó, Phó thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, nắm bắt thông tin phản ánh để kịp thời có giải pháp xử lý.